Ảnh hưởng kép do COVID-19 và khô hạn, GRDP 06 tháng vẫn tăng trưởng   13/7/2020


(binhthuan.gov.vn) 06 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội của Bình Thuận chịu nhiều tác động nặng nề từ dịch COVID-19 và tình hình khô hạn trên diện rộng. Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 06 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81%, mức tăng thấp nhất của 06 tháng các năm trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là thành công bởi nền kinh tế của địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm

Chiều 29/6/2020, Cục Thống kê tỉnh đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm 2020. Ông Phạm Quốc Hùng - Cục Trưởng Cục Thống kê tỉnh chủ trì buổi họp báo. Tại buổi họp báo, Cục Thống kê tỉnh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm 2020 của tỉnh diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất lợi, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, đặc biệt là dịch COVID-19 đã bùng phát và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Trước những tác động tiêu cực này, trong 06 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước tính tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất tính theo giai đoạn 06 tháng trong vòng 04 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đánh giá một cách tích cực, đây là một mức tăng trưởng khá trong bối cảnh nền kinh tế cả nước và toàn thế giới đang gánh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.

Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản giảm 0,22%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,05%, đóng góp 4,52 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ giảm 3,18%, làm giảm 1,15 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,5%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 06 tháng đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của nắng hạn, phải cắt giảm khoảng 15.000 ha lúa vụ đông xuân. Trong đó, riêng ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 3,07%, đây là lần thứ 2 ngành này có mức tăng trưởng âm; ngành lâm nghiệp tăng 18,45%; ngành thủy sản tăng 2,49%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng 06 tháng đầu năm 2020 tăng 15,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai thác khoáng tăng 12,26%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,23%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 20,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,55%. Ngành xây dựng tăng 11,08%.

Ngành dịch vụ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, xuất khẩu, dịch vụ. Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cung cấp cho thấy, lần đầu tiên khu vực này có mức tăng trưởng âm. Cụ thể, trong 06 tháng đầu năm, tăng trưởng âm 3,18%; trong đó, nhóm ngành có tỷ trọng lớn làm tăng mức tăng trưởng âm là dịch vụ lưu trú và ăn uống, giảm 19,34% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi giảm 19,78%.

Về cơ cấu nền kinh tế 06 tháng đầu năm 2020. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,26%; khu vực dịch vụ chiếm 31,68%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,27%.

Ngành công nghiệp: Điểm sáng trong giai đoạn khó khăn 

Công nghiệp là nhóm ngành có mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, theo kết quả điều tra khảo sát do Cục Thống kê tỉnh thực hiện về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2020 so với quý I/2020 cho thấy: Có đến 47,89% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; có 28,17% số doanh nghiệp cho rằng ổn định, tuy nhiên có 23,94% số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp còn cho thấy, theo đánh giá các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II/2020 so với quý I/2020, có 40% doanh nghiệp đánh giá do thiếu nguyên, nhiên vật liệu; có 7,69% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có 10,77% doanh cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; có 7,69% doanh nghiệp đánh giá do nhu cầu thị trường quốc tế thấp; có 10,77% doanh nghiệp cho rằng do không tuyển được lao động theo yêu cầu; có 10,77% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; có 6,15% doanh nghiệp đánh giá cho chính sách pháp luật nhà nước và 9,24% doanh nghiệp đánh giá lý do khác.

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 06 tháng cuối năm

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương đã đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Sau dịch COVID-19, để khôi phục nền kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, khôi phục nền kinh tế như: thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, quan trọng, bức xúc và các dự án lớn để tạo đột phá khai thác tiềm năng lợi thế, thu hút mạnh mẽ đầu tư trên địa bàn. Trong 06 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 13.518,7 tỷ đồng, tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 1.410,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

06 tháng còn lại của năm 2020, Bình Thuận dự kiến 02 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1: GRDP 06 tháng cuối năm 2020 ước tăng 5,1%, trong đó nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,63%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,79%; dịch vụ tăng 3,32%. GRDP cả năm 2020 ước tăng 4,5%, thấp hơn mức tăng trưởng theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm là 03 điểm %, trong đó: nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,43%, bao gồm: công nghiệp tăng 13,8%, xây dựng tăng 11,47%; dịch vụ tăng 0,26%.

Kịch bản 2: GRDP 06 tháng cuối năm 2020 ước tăng 6,04%, trong đó nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,63%, công nghiệp - xây dựng tăng 14,45%; dịch vụ tăng 3,96%. GRDP cả năm 2020 ước tăng 5%, thấp hơn mức tăng trưởng theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm là 2,5 điểm % (mục tiêu đề ra là 7,5%), trong đó: nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,9% (mục tiêu là 2,78%); công nghiệp - xây dựng tăng 14,75% (mục tiêu là 12,63%), bao gồm: công nghiệp tăng 15,38%, xây dựng tăng 11,47%; dịch vụ tăng 0,6% (mục tiêu là 7,05%).

Những giải pháp phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng chảy nền kinh tế của tỉnh nhà, duy trì mức tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới có xu hướng suy giảm, ngành dịch vụ, du lịch lấy lại được đà tăng trưởng. Vì vậy, kịch bản tăng trưởng GRPD 06 tháng cuối năm 2020 tăng 6,04% hoàn toàn có khả năng đạt được./.

Hữu Tri

Nguồn:binhthuan.gov.vn


Các tin tiếp
Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 17 nghìn tấn   (15/5/2020)
Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2: Nhiều việc cấp bách cần làm để chống hạn   (8/5/2020)
4 tháng đầu năm 2020: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định   (6/5/2020)
Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2020   (6/5/2020)
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Ngân hàng (cơ sở dữ liệu) tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh   (6/5/2020)
Bình Thuận: Ban hành quyết định công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh   (5/5/2020)
Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định xuyên suốt thời gian phòng, chống dịch COVID-19   (4/5/2020)
Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực sau hơn 2 năm thực hiện giải pháp cấp bách chống khai thác IUU   (4/5/2020)
Sẽ sớm có giải pháp phục hồi nền kinh tế   (4/5/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2019   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2018 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2017 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2016   (7/4/2020)
Bình Thuận thu ngân sách trong Quý I năm 2020 đạt 2.712 tỷ đồng   (6/4/2020)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4846289