Nghiên cứu ảnh hưởng của một số nguyên tố giới hạn ảnh hưởng đến canh tác thanh long bền vững tại Bình Thuận   30/5/2017

Hiện nay, thanh long đang là mặt hàng xuất khẩu quan trọng và có giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của nước ta. Mặc dù diện tích không nhiều (chiếm chưa tới 3% diện tích cây trái cả nước) nhưng thanh long hiện là mặt hàng quả tươi xuất khẩu chủ lực của nước ta, với 80 – 85% sản lượng sản xuất dành cho xuất khẩu, trong đó 10 – 15% là xuất khẩu chính ngạch.



Riêng tỉnh Bình Thuận đã xuất khẩu thanh long chính ngạch đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu chính. Chính vì vậy, việc nâng cao năng suất, giá trị thương phẩm của loại sản phẩm này là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu. Để nâng cao năng suất cây trồng, ngoài yếu tố giống và quản lý sâu bệnh, việc sử dụng phân bón hợp lí là vấn đề mang ý nghĩa quan trọng.

Ngoài các nguyên tố C, H, O được cung cấp từ H2O và CO2, các yếu tố dinh dưỡng đa lượng NPK được xem là nguồn bổ sung dinh dưỡng cho thanh long, quyết định năng suất và phẩm chất của thanh long; trong khi các yếu tố dinh dưỡng trung và vi lượng được xem có tác dụng tối ưu hóa hiệu quả của các phân đa lượng và ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản thanh long. Quản lý dinh dưỡng cây trồng trong sản xuất nông nghiệp là một khâu quan trọng trong việc xây dựng hệ thống nông nghiệp bền vững. Việc thiếu hay thừa bất kì một nguyên tố dinh dưỡng nào cũng làm giới hạn năng suất cây trồng, đặc biệt là một số nguyên tố ít được người dân chú ý trong quá trình canh tác mặc dù cây cần với một lượng khá lớn như canxi, magie. Trên vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ, nghèo chất hữu cơ, việc thiếu hụt các những nguyên tố này càng trở nên nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Tuy nhiên, tất cả những nghiên cứu về dinh dưỡng trên thanh long hiện nay trong nước và trên thế giới còn rất hạn chế. Đặc biệt, trên đất Bình Thuận vùng trồng thanh long lớn của đất nước, những nghiên cứu về vấn đề này chưa được làm rõ. Đa số các nghiên cứu chỉ tập trung vào các nguyên tố đa lượng với một tỉ lệ ước đoán.

Xuất phát từ những thực tế trên, để thanh long Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng có thể đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế, cần phải tăng cường cải thiện năng suất và phẩm chất thanh long, tạo ra sản phẩm với năng suất cao, mẫu mã đẹp, vị ngon, ngọt, sạch sâu bệnh, tồn trữ lâu, giá rẻ và một vùng trồng thanh long bền vững, ổn định. Trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu TS. Võ Thái Dân và ThS. Thái Nguyễn Diễm Hương của Đại học Nông lâm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của một số nguyên tố giới hạn ảnh hưởng đến canh tác thanh long bền vững tại Bình Thuận” nhằm xác định lượng phân bón (chủ yếu là N, P, K, canxi, magie) thích hợp trong cả vụ thuận và nghịch, giúp thanh long cho năng suất cao, phẩm chất tốt và mang lại hiệu quả kinh tế trên hai nền đất trồng thanh long chủ yếu ở Bình Thuận là Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, từ kết quả thí nghiệm đó xây dựng quy trình bón phân cân đối, hiệu quả cho cây thanh long phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.

Sau khi điều tra khảo nghiệm tại 2 địa bàn là Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc trên tổng diện tích điều tra là 195,49 ha, trong đó 124,97 ha tập trung ở Hàm Thuận Nam và 70,52 ha ở Hàm Thuận Bắc.

Nhóm nghiên đã trải qua nhiều giai đoạn để thực hiện những nghiên cứu nói trên. Những nội dung quan trọng nhất có thể kể đến như:

- Điều tra hiện trạng sử dụng phân bón trên thanh long tỉnh Bình Thuận.

- Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trong đất trồng thanh long ở Bình Thuận.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của một số nguyên tố dinh dưỡng đến năng suất và phẩm chất thanh long Bình Thuận.

- Xây dựng mô hình thử nghiệm ứng dụng qui trình bón phân cân đối cho cây thanh long.

- Tập huấn kỹ thuật.

Kết quả nghiên cứu đã được kiểm chứng và cho thấy:

Đa số các hộ không quan tâm đến việc bón vôi cho thanh long, chỉ có 32,2% trong tổng số hộ điều tra có bón vôi cho thanh long, việc bón lót chủ yếu là phân bò chiếm tỷ lệ đến 85%. Đối với giai đoạn cơ bản cần bón phân cho cây thì bón phân hữu cơ chiếm 81%. Trong giai đoạn kinh doanh sản xuất thanh long vào vụ nghịch các nông hộ quan tâm và bón phân với liều lượng nhiều hơn vụ thuận. Vào vụ thuận, các nông hộ sử dụng phân bò là chủ yếu nhưng vào vụ nghịch, các nông hộ bón kết hợp cả phân bò và phân hữu cơ vi sinh. Như vậy, kết quả điều tra cho thấy, đa số các nông hộ trồng thanh long ở Bình Thuận rất quan tâm đến việc cung cấp dinh dưỡng cho thanh long, đặc biệt là vào vụ nghịch. Tuy nhiên, liều lượng phân sử dụng giữa các nông hộ có sự khác biệt rất lớn và không theo một quy trình kỹ thuật nào. Mặc dù dinh dưỡng được cung cấp ở mức tối đa nhưng lại thiếu.

Qua đó, kết quả phân tích các mẫu đất thu thập tại vùng khảo sát cho thấy đất khá chua, khả năng trao đổi cation kém. Mặc dù hàm lượng lân và đạm tổng số khá giàu nhưng hàm lượng các chất dễ tiêu lại ở mức nghèo đến rất nghèo. Đây là một trong những nguyên nhân gây giới hạn năng suất thanh long.

Kết quả thực hiện mô hình ứng dụng quy trình bón phân cân đối trên thanh long giai đoạn trong giai đoạn vụ thuận và vụ nghịch tại tỉnh Bình Thuận tại 4 mô hình ở 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc

 - Mô hình tại Hàm Thuận Nam: vào vụ thuận việc bón phân cân đối cho số quả trên trụ, khối lượng trung bình quả và năng suất lý thuyết, năng suất thực tế cao hơn đối chứng, năng suất tăng so với đối chứng, từ đó chênh lệch lợi nhuận so với đối chứng là 11.124.000 đồng/ha và vào vụ nghịch năng suất lý thuyết và thực thu tăng so với đối chứng, tổng chi thấp hơn đối chứng nên lợi nhuận cao hơn đối chứng 51.340.333 đồng/ha.

- Mô hình tại Hàm Thuận Bắc: vào vụ thuận việc ứng dụng quy trình bón phân cân đối đã làm tăng năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất dẫn đến chênh lệch lợi nhuận so với đối chứng là 2.621.667 đồng/ha và vào vụ nghịch năng suất tăng so với đối chứng, tổng chi thấp hơn đối chứng nên lợi nhuận cao hơn đối chứng 120.101.000 đồng/ha.

Vì vậy để nâng cao năng suất và chất lượng thanh long, cần tăng cường bón vôi và bổ sung canxi, magie cho đất trồng thanh long tại Bình Thuận. Trên nền bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng, các thí nghiệm cho thấy ở các liều lượng bón khác nhau, các nguyên tố dinh dưỡng không tạo nên một sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê giữa các chỉ tiêu về năng suất, các yếu tố cấu thành năng suất và phẩm chất. Qua những nghiên cứu nhóm tác giả đã đưa ra một quy trình và chuẩn liều lượng bón phân cân đối, hợp lý giúp thanh long đạt hiệu quả cao nhất.

Đề tài được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện từ tháng 3/2014 đến tháng 8/2016. Kết quả được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận nghiệm thu và đánh giá xếp loại khá./.

 Tác giả bài viết: Tôn Văn Bảo


Các tin tiếp
Thoát vị đĩa đệm   (23/11/2015)
Dụng cụ diệt ruồi vàng   (18/11/2015)
TÓM TẮT QUY TRÌNH XỬ LÝ CÀNH, QUẢ THANH LONG BỊ BỆNH   (28/10/2015)
SĂN SÓC ĐIỀU DƯỠNG   (26/10/2015)
Sản xuất khung xe đạp bằng tre   (26/9/2015)
Nhận biết và phòng tránh chấn thương sọ não ở trẻ em   (22/9/2015)
Làm thế nào để hạn chế tai biến điều trị xảy ra trong bệnh viện   (8/4/2014)
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh hạn chế dịch bệnh   (28/10/2013)
Hạn chế rụng trái non trên cây ăn trái   (26/9/2013)
Chủ động sản xuất lúa vụ mùa năm 2013   (12/8/2013)
Kỹ thuật sử dụng một số loại phân mới cho sản xuất đậu phụng vụ mùa 2013   (12/8/2013)
Công nghệ xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng   (15/7/2013)
Lưu ý khi nuôi cá nước ngọt   (12/7/2013)
Nuôi cá thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp   (24/6/2013)
Công nghệ xây dựng mới: Nhanh hơn - rẻ hơn   (28/3/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4836215